Tăng huyết áp kháng trị thường gặp ở những người bệnh tuổi cao, béo phì, bệnh thận mạn, đái tháo đường hay huyết áp ban đầu cao; những người có thói quen ăn mặn, ăn ít chất xơ nhiều mỡ, ít hoạt động thể lực, lạm dụng bia rượu…

1. Nguyên nhân gây THA kháng trị

Bác sĩ theo dõi thường xuyên để xác định chính xác tình trạng tăng huyết áp kháng trị

       THA kháng trị có thể do người bệnh, do thầy thuốc, do phòng khám hoặc do quá tải thể tích.

       Do người bệnh: Ngoài những nguyên nhân về nếp sống sinh hoạt như uống rượu bia, ăn mặn, ít chất xơ… thì THA kháng trị còn do người bệnh chủ quan không tuân thủ điều trị hoặc do bệnh nhân tự uống một số thuốc khác ảnh hưởng đến huyết áp. Nhiều người vẫn cho rằng bình thường không có triệu chứng gì thì không cần uống thuốc, khi nào huyết áp tăng thì mới phải uống thuốc, đó là một quan niệm sai lầm dễ đưa đến những biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân đưa đến tăng huyết áp kháng trị.

       Do thầy thuốc: THA kháng trị cũng có thể do thầy thuốc chưa hướng dẫn cụ thể cho người bệnh về chế độ điều trị (gồm chế độ dùng thuốc lẫn chế độ ăn uống sinh hoạt), bản thân người thầy thuốc chưa đánh giá đúng mức độ cũng như các bệnh liên quan của người bệnh, chưa chỉ định liều thuốc tối ưu (không phải liều tối đa) cho người bệnh hoặc chưa hiểu hết về tương tác thuốc.

       Do phòng khám:

Hội chứng “áo choàng trắng” hay tâm lý sợ bệnh viện làm chỉ số huyết áp không chính xác

       Có thể do máy đo huyết áp, băng hơi chưa phù hợp, môi trường phòng khám (tâm lý “sợ bệnh viện”, chờ đợi, chật chội…) cũng gây nên tình trạng THA kháng trị.

       Do quá tải thể tích: Đó là do thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, do dùng một số thuốc đi kèm như các thuốc giảm đau không gây nghiện (các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (bao gồm cả aspirin), thuốc ức chế COX2; thuốc chẹn giao cảm (thuốc chống ngạt mũi, thuốc giảm ăn, cocain…); thuốc kích thích; thuốc uống tránh thai hoặc do dùng thuốc lợi tiểu không hợp lý…

       Ngoài ra, một số bệnh lý tuyến giáp, nhu mô thận… cũng là nguyên nhân gây THA kháng trị.

       Làm gì trước bệnh nhân THA kháng trị?

       Khi bệnh nhân có nghi ngờ bị THA kháng trị đều phải được khám chuyên sâu nhằm mục tiêu: Phân biệt THA kháng trị thật hay giả, xác định các yếu tố liên quan, các nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là các bệnh lý khác có thể gây ra THA, mức độ tổn thương các cơ quan và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Bệnh nhân cần được xét nghiệm máu, nước tiểu và sau đó thăm dò bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để loại trừ một bệnh lý nào đó khác gây ra THA. Cần xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để phối hợp tìm nguyên nhân và cũng có thêm thông tin về chế độ ăn mặn và chức năng thận của bệnh nhân.

       Cần đánh giá cẩn thận để loại trừ các trường hợp giả THA kháng trị, tránh được các thăm dò quá sâu và điều trị quá mức. Bệnh nhân cần được ngồi nghỉ thư giãn 5 phút trước khi đo huyết áp, tay để thoải mái đặt trên bàn ngang mức tim, chân không bắt chéo và băng quấn tay đo HA có kích thước phù hợp, tay áo vén cao, không thít cánh tay. HA cần được đo ở 2 cánh tay và sẽ lấy kết quả bên nào cao hơn. Cần đo HA khi nằm và khi đứng dậy để phát hiện hạ huyết áp tư thế.

        Nếu băng đo HA quá nhỏ và ngắn thì HA tâm thu có thể sai, HA tâm thu tăng cao tới 5 – 15mmHg. Nếu động mạch cánh tay quá xơ vữa, vôi hóa và không ép được hoàn toàn thì HA cũng có thể bị sai số cao lên. Bệnh nhân không được hút thuốc trong khoảng 30 phút trước khi đo, vì có thể làm tăng HA tâm thu lên 5 – 20mmHg. Bệnh nhân nên tránh cả uống cà phê, mặc dù tách cà phê cũng chỉ làm huyết áp tâm thu tăng lên 1 – 2mmHg.

        Hiện tượng áo choàng trắng (huyết áp ở phòng khám luôn cao còn ở nhà thì thấp hơn hoặc bình thường) gặp ở 20 – 30% bệnh nhân THA kháng trị.

 2. Điều trị tăng huyết áp kháng trị thế nào?

       Việc điều trị THA kháng trị quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân để kiểm soát bệnh, từ đó có can thiệp một cách hợp lý. Về nguyên tắc chung gồm:

Thay đổi lối sống lành mạnh để ổn định huyết áp

       Điều trị không dùng thuốc:

       Người bệnh THA cần thay đổi lối sống, có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; Giảm ăn mặn (< 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày); Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể từ 18,5 đến 22,9 kg/m2; Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ).

       Một cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh; Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào; Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; Tránh bị lạnh đột ngột.

       Điều trị có dùng thuốc:

       Mục tiêu đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg. Trong đó cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng kỳ hẹn. Không nên tự ý mua thuốc hạ huyết áp để uống hay uống thuốc theo chỉ dẫn của người quen, bạn bè không phải là bác sĩ. 

       Theo dõi huyết áp tại nhà :

       Phải có sổ theo dõi huyết áp, trong đó ghi số đo huyết áp mỗi ngày 1 – 3 lần, triệu chứng bất thường trong ngày, thuốc uống trong ngày. Ðưa cho bác sĩ điều trị sổ này mỗi lần tái khám.

       Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: Chỉ nên đo huyết áp 1 – 3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo. Phải nằm nghỉ khoảng 15 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn hay khi mới ngủ dậy.

Theo Ngọc Hoa

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x