Có 3 trường hợp đều được coi là cao huyết áp, gồm: Chỉ số huyết áp của tâm thu và tâm trương đều cao hơn 140/90 mmHg; chỉ số huyết áp của tâm thu cao hơn 140 mmHg và chỉ số huyết áp của tâm trương bằng hoặc nhỏ hơn 90 mmHg; chỉ số huyết áp của tâm trương cao hơn 90 mmHg và chỉ số của huyết áp tâm thu bằng hoặc nhỏ hơn 140 mmHg.
Tuy nhiên, việc kết luận là có bị cao huyết áp hay không thì cần dựa vào kỹ thuật đo và ý kiến của thầy thuốc.
Nếu bạn bị cao huyết áp và có trọng lượng cơ thể ở mức trung bình thì hằng ngày chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm với tỉ lệ như sau:
Tháp cân đối dinh dưỡng
– Với chất đạm, chất béo: Mỗi ngày chỉ cần 60 g – 70 g chất đạm; 25 g – 30 g chất béo từ dầu thực vật (ngoại trừ dầu dừa, dầu cọ); 300 g – 320 g chất bột đường; dưới 6 g muối ăn (kể cả bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm…); 30 g – 40 g chất xơ từ rau, củ, quả… (tương đương 300 g – 500 g rau). Một thực đơn sẽ rất an toàn nếu được chế biến bởi thịt nạc (tốt nhất là cá), dầu thực vật (đậu nành, đậu phụng, mè, ôliu, hướng dương) và nhiều rau xanh, củ, quả, đậu, hạt.
– Với cholesterol: Mỗi ngày không nên dùng hơn 250 mg cholesterol trong các loại thực phẩm. Nên tránh hoặc hạn chế các thức ăn giàu cholesterol, ngọt, béo, quá mặn (hơn 6 g muối mỗi ngày).
Các thực phẩm thuộc nhóm có chứa hơn 50 mg cholesterol/100 g thực phẩm, gồm: Cá trích, thịt bò, thịt heo hộp, chân giò heo, thịt thỏ, sườn heo, heo xay hộp, cá chép, giăm bông heo, thịt bê béo, thịt ngựa, thịt vịt, thịt cừu, thịt ngỗng, thịt gà tây, thịt bò hộp, mỡ heo, dạ dày bò, sữa bột toàn phần chưa tách béo, thịt gà hộp, tim heo, bầu dục heo, phô mai, gan gà, lưỡi bò; đặc biệt cholesterol rất cao ở trong lòng đỏ trứng gà, não bò, não heo.
Như vậy, tốt nhất là nên loại bỏ thức ăn chế biến từ nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, mỡ động vật, các loại thịt gia súc, gia cầm đóng hộp, một số thủy hải sản (tôm đồng, tôm biển, cua biển, mực…); các loại giăm bông, thịt nguội, da của gia súc, gia cầm, các sản phẩm làm từ sữa béo, từ sô-cô-la, khoai tây chiên…
– Với thực phẩm ngọt: Cần hạn chế các thức ăn quá ngọt, như: kẹo, bánh, mật, kem, chè, sô-cô-la, trái cây ngọt (sầu riêng, mít, xoài chín, nhãn, vải…). Mỗi ngày, lượng glucose sử dụng tối đa chỉ 10 g – 20 g.
– Với thực phẩm chứa nhiều natri: Hạn chế các thực phẩm có hàm lượng natri từ 100 mg – 1.000 mg (tương ứng với 250 mg – 2.500 mg muối ăn)/100 g thực phẩm.
Đó là: trứng, cá hộp, ốc, sò, bánh mì, xúc xích… Các thực phẩm có hàm lượng natri rất cao (tương đương với 2.500 mg – 240.000 mg muối ăn) gồm: thịt hộp, các loại dưa muối (cà, cải, giá đậu, dưa chuột…), mắm cá, mắm ruốc, giăm bông, thịt hoặc cá xông khói, thịt hoặc cá chà bông, các loại nước chấm (tương, chao, xì dầu, nước mắm…).
– Với các thức uống từ chè: Dù các thức uống này rất có ích cho sức khỏe nhưng khi uống nhiều và uống vào buổi chiều tối cũng không tốt cho người cao huyết áp. Một số thức uống có tính kích thích như cà phê, rượu, bia đều có thể làm tăng huyết áp nên lưu ý không uống vào buổi chiều tối. Vitamin C liều cao (hơn 1.000 mg/ngày) có trong các viên vitamin C sủi bọt cũng có thể tạo điều kiện tăng huyết áp.
Theo Minh Huy