Tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh lý mạch vành và đột quỵ.
Tăng huyết áp và Đái tháo đường tuy là hai bệnh riêng biệt, nhưng thực tế lại có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ các bệnh này đang tăng dần theo lứa tuổi, đồng thời, tăng huyết áp (THA) ở bệnh nhân ĐTĐ rất thường gặp và là yếu tố làm tăng nặng mức độ của ĐTĐ. Tỉ lệ THA ở các bệnh nhân ĐTĐ cao hơn ở người bình thường, cụ thể: có đến 20-60% người ĐTĐ mắc bệnh tăng huyết áp và tỉ lệ mắc tăng huyết áp trên bệnh nhân ĐTĐ cao hơn nhóm người không bị Đái tháo đường từ 1,5 đến 3 lần.
Những nguy cơ tăng huyết áp ở người bệnh Đái tháo đường
Do THA và ĐTĐ đều là những yếu tố nguy cơ chính của biến chứng mạch máu lớn và biến chứng vi mạch nên bệnh nhân ĐTĐ kèm THA thì nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh thận và bệnh võng mạc tăng rất cao. Đáng chú ý hơn, trên nhóm bệnh nhân có cả ĐTĐ và THA thì nguy cơ xuất hiện suy thận nặng cao gấp 5-6 lần so với bệnh nhân THA đơn thuần.
Tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ làm tăng nguy cơ tim mạch, bệnh lý mạch vành và đột quỵ lớn gấp 2-3 lần so với ở người không mắc ĐTĐ. Khi dân số thế giới đang già đi, kèm theo tỉ lệ mắc các bệnh lý chuyển hoá và THA tăng lên sẽ trở thành vấn đề lớn đối với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Nguy cơ tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường
Biến chứng thận do ĐTĐ cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ, tỉ lệ này tăng theo thời gian bị ĐTĐ và có tương quan chặt chẽ với các biến chứng mạn tính khác. Ở các nước công nghiệp phát triển thì bệnh thận do ĐTĐ là một nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, chiếm ¼ trường hợp cần lọc máu hoặc ghép thận. Microalbumin niệu dương tính thường xuất hiện sớm và là yếu tố dự đoán rất có giá trị về nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ.
Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu lớn (xơ vữa mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não) cao gấp 2-3 lần người không mắc ĐTĐ. Đây có thể là hậu quả của bệnh ĐTĐ và đồng thời cũng có thêm sự góp phần quan trọng của các yếu tố nguy cơ khác như: béo phì, THA, rối loạn mỡ máu, kháng Insulin. Ở các bệnh nhân ĐTĐ có các bệnh lý mạch máu lớn thì tăng huyết áp sẽ làm cho các tổn thương mạch máu trở nên trầm trọng hơn.
Thời điểm xuất hiện THA có sự khác biệt giữa 2 nhóm bệnh nhân ĐTĐ typ 1 và typ 2. Trên bệnh nhân ĐTĐ typ 1, THA thường xuất hiện vài năm sau khi chẩn đoán ĐTĐ và thường có liên quan đến biến chứng thận do ĐTĐ. Còn trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 thì THA có thể xuất hiện ngay ở thời điểm chẩn đoán hay cả trước khi chẩn đoán ĐTĐ và có thể cùng xuất hiện với các yếu tố nguy cơ khác của bệnh lý tim mạch, các yếu tố này đều có cùng một rối loạn tiềm ẩn là đề kháng Insulin và tăng Insulin máu.
Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân Đái tháo đường
Theo các nghiên cứu giá trị của điều trị tăng huyết áp, nghiên cứu trên 18.790 bệnh nhân, thời gian theo dõi 6,8 năm thì nhóm 1.501 bệnh nhân tăng huyết áp có ĐTĐ giảm 51% biến chứng tim mạch, giảm 50% tỷ lệ nhồi máu cơ tim, giảm 30% đột quỵ nếu được điều trị theo đúng nguyên tắc và theo các mục tiêu sau:
– Điều trị đường huyết tích cực.
– Điều trị huyết áp < 130/80 mmHg (JNC 7-2003).
– Điều trị lối sống, chế độ ăn.
– Điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa biến chứng.
– Phối hợp thuốc điều trị huyết áp thường xuyên, liên tục.
Một số lời khuyên về chế độ ăn và thói quen hàng ngày cho bệnh nhân ĐTĐ có tăng huyết áp
– Giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì – điều này có thể giúp giảm được huyết áp và đường huyết một cách rõ rệt.
– Lựa chọn một chế độ ăn giàu kali và canxi, giảm natri sẽ giúp giảm gánh nặng cho tim, rất có lợi đối với huyết áp. Ăn chế độ 1600 mg natri/ngày sẽ có hiệu quả tương đương một thứ thuốc điều trị hạ huyết áp.
– Luyện tập thể dục đều đặn giúp giảm cân và cải thiện chức năng tim mạch nói chung. Cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn, đồng thời còn hạn chế được tình trạng stress.
– Ăn nhiều rau, trái cây giúp hạ huyết áp.
– Tốt nhất là không nên uống rượu.
Theo Ngân Hải