Tăng huyết áp vốn được mệnh danh là “căn bệnh giết người thầm lặng” vì hiếm khi biểu hiện triệu chứng rõ rệt, có nhiều biến thể phức tạp, gây khó khăn trong chẩn đoán. Ngoài cách thông thường là dựa vào nguyên nhân để xác định tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát, bác sĩ có thể kiểm tra các trị số khác để phân chia bệnh nhân tăng huyết áp thành các trường hợp tiêu biểu sau:

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (isolated systolic hypertension)

tang-huyet-ap-tam-thu-don-doc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc xảy ra khi huyết áp tâm thu của một người liên tục cao hơn ngưỡng 140 mmHg, trong khi huyết áp tâm trương lại nằm trong ngưỡng cho phép (dưới 90 mmHg). Tình trạng bệnh này đặc biệt phổ biến ở nhóm người ngoài 50 tuổi, do hệ động mạch bị lão hóa, mất độ đàn hồi khi cơ thể già đi. Trên thực tế, nhiều thống kê cho thấy có đến 60% số người cao tuổi bị tăng huyết áp rơi vào trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Liệu pháp điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng tương đối phức tạp nhằm giữ huyết áp tâm trương không xuống quá thấp, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Cơn tăng huyết áp (malignant hypertension)

Cơn tăng huyết áp là biến thể nguy hiểm nhất, xảy ra khi huyết áp tăng đột ngột đến mức cấp tính (180/120 mmHg hoặc cao hơn) và làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân sẽ cần ngay lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp và chữa trị kịp thời. Có khoảng 1-7% số người bệnh tăng huyết áp đứng trước nguy cơ trải qua cơn tăng huyết áp bất kỳ lúc nào, và tỷ lệ này có thể cao hơn ở nhóm người trẻ, người gốc Phi, phụ nữ bị nhiễm độc thai nghén. Cơn tăng huyết áp còn được chia thành tăng huyết áp khẩn cấp và tăng huyết áp cấp cứu, với những triệu chứng riêng biệt.

Tăng huyết áp kháng trị (resistant hypertension)

tang-huyet-ap-khang-tri

Nếu bác sĩ đã kê đơn ba loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau (trong đó có thuốc lợi tiểu) nhưng huyết áp của bệnh nhân vẫn ở mức cao, đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp kháng trị. Bệnh lý này tương đối phổ biến, đôi khi chiếm đến 20-30% số trường hợp bệnh tăng huyết áp. Nhóm đối tượng nguy cơ bị tăng huyết áp kháng trị bao gồm người già, phụ nữ, người gốc Phi hoặc người mắc một số bệnh như béo phì, tiểu đường, bệnh về thận…Bác sĩ sẽ cần cân nhắc tiến hành triệt đốt thần kinh giao cảm động mạch thận và nhiều liệu pháp chuyên sâu khác.

Tăng huyết áp áo choàng trắng (white-coat hypertension)

Tăng huyết áp áo choàng trắng là biến thể khá đặc biệt, hiện vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới y học. Theo đó, một số bệnh nhân có trị số huyết áp đo tại phòng khám, bệnh viện cao hơn so với khi đo ở nhà từ 10-15 mmHg. Tuy không nguy hiểm bằng các biến thể khác nhưng tăng huyết áp áo choàng trắng là dấu hiệu báo trước, rằng bệnh nhân có nguy cơ bị tăng huyết áp trong tương lai. Đây cũng là lý do vì sao bác sĩ được khuyến cáo đo huyết áp ít nhất 3 lần trước khi chẩn đoán, hoặc sử dụng kỹ thuật đo huyết áp lưu động nếu cần thiết.

Tăng huyết áp giấu mặt (masked hypertension)

tang-huyet-ap-giau-mat

Trái ngược với tăng huyết áp áo choàng trắng, tăng huyết áp giấu mặt dùng để chỉ hiện tượng bệnh nhân có trị số huyết áp đo tại bệnh viện, phòng khám thấp hơn nhiều so với khi đo tại nhà. Tỷ lệ người bệnh chuyển từ tăng huyết áp giấu mặt thành tăng huyết áp không cao (khoảng 10%), nhưng có tiên lượng một số tổn thương cơ quan đích và có thể xuất hiện ở người trẻ chưa từng có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp, nên vẫn cần đề phòng. Hiện chưa có nghiên cứu nào chính thức về tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp đối với tình trạng này, và cách hữu hiệu nhất vẫn là tiến hành đo huyết áp lưu động trong 24 giờ.

Linh Chi

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x